Giáo Hội trong thế giới ngày nay
Trọng kính Cộng đồng Dân Chúa,
Trong bài Đáp Ca hôm nay, Chúa Nhật XXI Thường niên Năm A, ở câu đáp, chúng ta thấy có lời cầu xin:
" Lạy Chúa, lòng nhân hậu Chúa tồn tại muôn đời, xin đừng bỏ rơi công cuộc tay Chúa".
Thật vậy, chính vì Dân Chúa là "công cuộc của tay Chúa" mà Ngài đã truất phế nhân vật bất xứng trong Bài Đọc 1,
và thay thế bằng một nhân vật khác theo ý định quan phòng thần linh của Ngài.
Cũng thế, chính vì Giáo Hội do Chúa Kitô thiết lập là "công cuộc tay Chúa" mà Người đã xây trên nền Đá Phêrô,
như trong Bài Phúc Âm cho thấy, một nền Đá đức tin của Tông đồ Phêrô hơn là chính bản thân yếu hèn của vị tông đồ này.
Bởi vậy, nếu nhân loại là "công cuộc tay Chúa" thì chính Ngài sẽ đích thân ở với họ và càng tỏ mình ra khi họ khốn cùng,
nhất là khi "thế giới ngày nay cần đến LTXC biết bao" (Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô 2 Thứ Bảy 17/8/2002 ở Balan)!
Với tất cả lòng tin tưởng vào "lòng nhân hậu Chúa tồn tại muôn đời",
chúng ta tiếp tục theo dõi tình hình Giáo Hội hiện thế trong thời khoảng 4 ngày qua ở những đường links dưới đây,
theo tâm tình cầu nguyện với ĐTC Phanxicô ngày 25/3/2022 sau đây:
Lạy Mẹ là Ngôi sao biển, xin đừng để chúng con bị đắm tàu trong bão táp chiến tranh.
Lạy Mẹ là Hòm bia của Giao ước Mới, xin truyền cảm hứng cho các dự án và con đường hòa giải.
Lạy Mẹ là Nữ Vương Thiên Đàng, xin khôi phục sự hài hòa của Thiên Chúa trong thế giới.
Xin dập tắt hận thù và làm nguôi sự báo thù, xin dạy chúng con sự tha thứ.
Chiều ngày 27/07/2023, chủ tịch Võ Văn Thưởng đã viếng thăm Tòa Thánh Vatican và hội kiến với đức giáo hoàng Phanxicô. Ông cũng có cuộc họp với đức hồng y Pietro Parolin, quốc vụ khanh Tòa Thánh. Sau cuộc gặp, đôi bên đã có tuyên bố chung về việc thiết lập văn phòng thường trực của Vatican tại Việt Nam.
Tại sao người đứng đầu một nước không có quan hệ ngoại giao lại được người đứng đầu không chỉ một quốc gia mà cả một tôn giáo lớn trên thế giới hiện nay tiếp đón? Linh mục Phạm Hoàng Dũng giải thích từ Liège, Vương Quốc Bỉ.
**********
Nước Vatican hay Tòa Thánh Công Giáo ?
Trước hết, Ki-tô Giáo nói chung và Công Giáo nói riêng là tôn giáo nhập thể, nghĩa là Giáo Hội không đứng bên lề lịch sử hay đứng bên ngoài trần gian. Tuy thế, cũng không thể đồng hoá Giáo Hội với một thể thức chính trị, kinh tế hay văn hóa. Qua sự thăng trầm của 2000 năm lịch sử của Ki-tô Giáo, Giáo Hội đã có một cơ cấu tổ chức chặt chẽ như một quốc gia trần thế. Và đã có lúc, đức giáo hoàng có vai trò như thủ lãnh trần gian, có quyền lực trên cả các vua và đứng ra hòa giải các xung đột qua các vị sứ thần của mình. Ở đây, chúng ta cùng nhìn lại đôi nét về ngành ngoại giao của Tòa Thánh.
Cách đây 153 năm, tức là vào năm 1870, khi Tòa Thánh bị Ý chiếm và sáp nhập, đức giáo hoàng Piô IX quyết định không ra khỏi nội thành Vatican nữa. Lúc đó, nhiều người nghĩ rằng bốn cường quốc bấy giờ là đế quốc Áo–Hung, Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, sẽ rút đại sứ khỏi Roma, như vẫn thường xảy ra khi một quốc gia không còn hiện hữu nữa, bởi lẽ duy trì một đại sứ cạnh vị giáo hoàng tự coi mình là « tù nhân » ở Vatican thì có ý nghĩa gì đâu ? Thế nhưng, các cường quốc ấy đã không làm như vậy và các chính phủ liên hệ mau lẹ xác nhận rằng các đại sứ của họ không được ủy nhiệm nơi quốc gia của Giáo Hội, nhưng là nơi Tòa Thánh. Đây là nguyên tắc vẫn được duy trì từ đó đến nay.
Thực vậy, hiện nay không có nước nào lập quan hệ ngoại giao với quốc gia Vatican, một khu đất nhỏ 44 hecta. Nhưng các nước lập quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh, như một cơ quan đầu não của Giáo Hội Công Giáo với hơn 1,3 tỷ tín hữu trên thế giới.
Từ bốn nước có quan hệ ngoại giao trên cấp đại sứ với Tòa Thánh hồi năm 1870, đến đầu năm 2023 có 183 quốc gia có quan hệ này, trong đó có 92 vị đại sứ thường trú ở Roma. Điều này chứng tỏ uy tín tinh thần của Đức Thánh Cha và Tòa Thánh đã gia tăng đáng kể qua dòng thời gian, với nỗ lực phục vụ công ích của các dân tộc, phục vụ hòa bình thế giới và bênh vực các quyền con người.
Ảnh hưởng tinh thần của Tòa Thánh
Một câu hỏi thường được nói đến khi nói về đoàn ngoại giao các nước cạnh Tòa Thánh, đó là các nước này được lợi gì khi thiết lập hoặc duy trì quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh, bởi vì vị đại sứ của họ tại Vatican không nói chuyện với Tòa Thánh về vấn đề tài chánh, kinh tế, mậu dịch, hoặc các hiệp định liên minh quân sự hay phòng thủ.
Câu trả lời là: Các nước giàu mạnh, khi lập quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh, thường muốn chứng tỏ cho thế giới thấy họ cùng theo đuổi những lý tưởng cao thượng mà Tòa Thánh cổ võ. Tiếp đến, ai cũng phải nhận rằng Vatican là một nguồn tin tức phong phú từ các nơi trên thế giới gửi về, hay nói theo ông Thomas Melady, một trong những đại sứ đầu tiên của Mỹ cạnh Tòa Thánh, thì « Vatican là một đài quan sát » quan trọng mà không cường quốc nào có thể bỏ qua.
Đối với những nước nhỏ, việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh, càng làm cho họ thấy thế đứng của mình trong cộng đồng quốc tế được bảo đảm và được biết tới hơn. Nhiều chính phủ còn nuôi ý tưởng thầm kín và nghĩ rằng với quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh, họ có thể nói chuyện thẳng với Tòa Thánh và tạo sức ép trên những giám mục ở trong nước đang gây khó khăn cho họ.
Mối quan hệ giữa Tòa Thánh và Việt Nam
Mặc dù có những tiếp xúc từ thế kỷ XVI qua trung gian của các nhà truyền giáo, nhưng lịch sử cho thấy một cái nhìn tiêu cực về vai trò của các nhà truyền giáo và Công Giáo đối với quá trình thuộc địa hóa của Việt Nam. Như vốn được giảng dạy trong các sách giáo khoa lịch sử. Nếu nhìn từ khía cạnh khác chúng ta sẽ thấy vai trò của các thừa sai trong việc hội nhập thế giới và phát triển của Việt Nam. Điều này cần đến sự nghiên cứu đánh giá qua việc khai thác các tư liệu lịch sử trong các kho lưu trữ trên thế giới và ngay cả tại Việt Nam.
Nếu xét trên mối quan hệ giữa Tòa Thánh và nước Việt Nam hiện nay, hay nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trước kia, thì đây thực sự là một trang đen tối của lịch sử.
Năm 1945 nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ra đời cũng là lúc cuộc chiến tranh ý thức hệ cộng sản và tự do bắt đầu cuốn theo bao hệ luỵ. Đức giáo hoàng Pio XII lên án chủ nghĩa cộng sản vô thần và kết án những ai theo chủ nghĩa ấy là đi ngược lại giáo huấn của Giáo Hội. Và dĩ nhiên, những ai theo chủ nghĩa Mác Lê-nin sẽ loại bỏ các tôn giáo ra khỏi đời sống thường ngày.
Trong thực tế, người đứng đầu nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã thành lập một chính phủ đầu tiên mang tính mặt trận với sự tham gia của các chức sắc tôn giáo và những người thuộc các tôn giáo. Đức cha Lê Hữu Từ và ông Nguyễn Mạnh Hà cũng tham gia vào chính phủ này, còn vai trò và kết quả ra sao chúng ta không thấy nhắc đến.
Mặt khác, trong giai đoạn 1945-1954, sự trở lại của người Pháp và những lực lượng quân sự tại các giáo xứ, địa phận công giáo tại miền Bắc, khiến cho những người công giáo Việt Nam bị nhìn như những người chống Cộng quyết liệt nhất. Có nhiều nhận định cho rằng, cuộc di cư vào Nam năm 1954 của hơn một triệu người công giáo sau Hiệp định Genève càng củng cố cho lý thuyết người công giáo và chủ nghĩa cộng sản không đội trời chung.
Và vị tổng thống đầu tiên của Việt Nam Cộng Hòa, ông Ngô Đình Diệm là một người công giáo khiến cho miền Bắc có cớ để kết án và tránh xa mối quan hệ với Tòa Thánh Vatican. Điều này là không thể tránh khỏi vì lúc đó miền Bắc đang chịu ảnh hưởng của Trung Quốc và Liên Xô nên khó mà đi theo con đường riêng.
Mặc dù vậy, Tòa Thánh lúc đó qua đức khâm sứ Spellman hay đức cha John Dooley vẫn theo dõi tình hình tại các địa phận miền Bắc sau 1954. Khi cuộc chiến tranh Việt Nam đi vào giai đoạn căng thẳng trong những năm 1960, chính đức giáo hoàng Phaolô VI đã có những can thiệp quốc tế và với các giám mục miền Nam tham dự Công Đồng Vatican II để tìm ra một giải pháp hay hạ nhiệt cuộc chiến. Khi cuộc hòa đàm Paris còn trong giai đoạn bí mật, 1968-1969, chính ngài đã tiếp đoàn của bộ trưởng Xuân Thủy. Nhưng các diễn biến lịch sử tiếp xúc ngoại giao giữa Tòa Thánh tại Việt Nam bị cắt đứt hoàn toàn sau năm 1975.
Từ không có gì đến nay là Tòa Khâm sứ
Sau những năm tháng đóng cửa tự cô lập với thế giới và ngoại giao chỉ đóng khung trong khối Xô Viết, Việt Nam thực hiện chính sách mở cửa ngoại giao chính trị kinh tế từ những năm 1986. Nhưng chưa mở cửa về mặt tôn giáo.
Tháng Bảy năm 1989, đức hồng y Roger Etchegaray, chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Công Lý và Hòa Bình, đã đến Việt Nam bắt đầu tìm hiểu và nối lại những mối tương giao. Sau đó từ những năm 1990 đến 2008, hai bên đã có 17 lần (2 ở Vatican và 15 lần ở Việt Nam), nhóm họp để bàn về những vấn đề mang tính tôn giáo như đào tạo chủng sinh, truyền chức linh mục, bổ nhiệm giám mục, v.v… Những cuộc tiếp xúc này giữa đại diện ban tôn giáo chính phủ Việt Nam và Bộ Truyền Giáo hay thứ trưởng ngoại giao Tòa Thánh.
Chỉ đến năm 2008, khi hai bên đồng ý thiết lập Tổ công tác hỗn hợp Việt Nam – Vatican để bàn việc thiết lập ngoại giao Việt Nam–Vatican theo một lộ trình được thống nhất. Tổ công tác hỗn hợp này đã qua 10 vòng đàm phán. Và kết quả của vòng thứ 10, tháng 3/2023 vừa qua là việc thông báo mở văn phòng thường trực của Tòa Thánh tại Việt Nam, tức là tòa khâm sứ, sau chuyến viếng thăm của chủ tịch Võ Văn Thưởng.
Từ năm 2008, tuy chưa thiết lập quan hệ ngoại giao, nhưng tất cả những người đứng đầu chính phủ (chủ tịch nước, thủ tướng chính phủ, chủ tịch quốc hội) và đảng (tổng bí thư) của Việt Nam đều đã đến viếng thăm và hội kiến với đức giáo hoàng. Thậm chí thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hai lần viếng thăm Vatican. Sau những chuyến thăm như vậy, tuy chậm, nhưng đã có những bước tiến trong quan hệ ngoại giao giữa đôi bên. Từ không có gì, đến đặc phái viên không thường trú, rồi đặc phái viên thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam và nay là Tòa Khâm Sứ.
Chủ trương đối thoại trong quan hệ với Việt Nam
Còn với Giáo Hội Việt Nam, Tòa Thánh đã đề nghị con đường đối thoại và hợp tác giữa Giáo Hội với Nhà Nước Việt Nam. Ngỏ lời với các giám mục Việt Nam nhân dịp đến viếng mộ hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô Ad limina 2002. Đức Gioan Phaolo II đề nghị một định hướng mục vụ theo tinh thần đối thoại của Vatican II : « Đối thoại thẳng thắn và cộng tác chân thành ».
Trong Ad limina 2009, Đức Bênêđictô XVI tiếp tục kêu gọi Giáo Hội Việt Nam « đóng góp vào việc phát triển nhân bản và tâm linh của con người, nhưng đồng thời cũng đóng góp cho việc phát triển đất nước. Việc tham gia vào tiến trình này là một bổn phận và một đóng góp quan trọng, nhất là lúc Việt Nam cũng đang từ từ mở cửa về phía cộng đồng quốc tế ».
Hơn thế nữa, đức giáo hoàng đã đi thẳng vào trọng tâm của một vấn đề gai góc, nhức nhối và nhạy cảm nhất, từng gây chia rẽ và tranh luận gay gắt trong lòng Giáo Hội Công Giáo Việt Nam suốt nhiều thập niên vừa qua. Ngài tuyên bố :
« Chư huynh cũng như tôi đều biết rằng một sự hợp tác lành mạnh giữa Giáo Hội và cộng đồng chính trị có thể thực hiện được. Về điểm này, Giáo Hội mời gọi các phần tử của mình dấn thân một cách lương thiện để xây dựng một xã hội công bằng, liên đới và bình đẳng. Giáo Hội không đòi hỏi phải thay thế trách nhiệm của các nhà cầm quyền, nhưng chỉ mong muốn có thể góp phần chính đáng vào đời sống quốc gia, để phục vụ toàn dân, trong tinh thần đối thoại và hợp tác, tôn trọng lẫn nhau ».
Trong bài diễn văn này,đức giáo hoàng yêu cầu chấm dứt thái độ « đối đầu » để tích cực dấn thân vào « con đường đối thoại ». Ngài công khai nhắc đến « Thư mục vụ 1980 » của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Hơn nữa, chủ đề « Giáo Hội Chúa Kitô giữa lòng Dân tộc » của Thư mục vụ được triển khai, cập nhật hóa và nâng cấp cho phù hợp với hoàn cảnh mới.
Ý thức sâu xa tính đối kháng giữa Nhà Nước thuộc khối XHCN với tôn giáo, ngài nói thêm : « Tôi thấy điều này là quan trọng là phải nhấn mạnh rằng các tôn giáo không gây ra một mối nguy hiểm cho tình đoàn kết quốc gia, bởi vì tôn giáo nhằm giúp đỡ cá nhân thánh hóa chính mình và, qua các cơ chế, các tôn giáo quảng đại tự đặt mình phục vụ tha nhân trong cách thế hoàn toàn vô vị lợi ».
Tuy nhiên đối thoại không đồng nghĩa với thỏa hiệp, nhất là thỏa hiệp với bất cứ giá nào. Niềm tin tôn giáo và chân lý không thể mặc cả hay dễ dàng nhượng bộ. Rất nhiều lần người Kitô hữu được mời gọi chấp nhận trả giá.
Đến bao giờ ?
Trái với sự hồ hởi từ phía Tòa Thánh và của giới Công Giáo trên thế giới và ở Việt Nam khi nhanh chóng đưa tin trên các trang mạng vào ngay tối hôm đó và sáng hôm sau theo giờ Việt Nam, thì các trang thông tin chính thức của Việt Nam chỉ đưa tin này sơ sài hay ngay trang của Chủ tịch nước phải mãi đến chiều 29/07/2023 mới đưa tin tức là sau khi Chủ tịch nước đã về vào buổi sáng hôm đó trái với sự nhanh chóng của những hoạt động của chủ tịch nước tại Áo và Ý.
Phải chăng phía Việt Nam tỏ thái độ vì ngay trước chuyến viếng thăm của chủ Tịch Võ Văn Thưởng, ngày 25/07/2023, tên của đức hồng y Nguyễn Văn Thuận đã được đặt cho một Quỹ của Bộ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện ?
Đức hồng y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, người từng tham gia vào tiến trình này từ năm 2007, đã nói với báo chí rằng : « Sự thỏa thuận không phải chỉ là một mục tiêu, nhưng là một sự khởi đầu mới, trong dấu chỉ tôn trọng nhau và tín nhiệm nhau ».
Trang Tin Beijing news đánh giá : « Sự phát triển này, được thực hiện trong nhiều năm, có thể mở đường cho quan hệ ngoại giao đầy đủ giữa Vatican và Việt Nam, và có thể là một mô hình cho quan hệ với Trung Quốc. »[1]
Với con số khoảng hơn 7 triệu tín hữu Công Giáo, chỉ là thiểu số trong gần 100 triệu người Việt Nam, nhưng sinh hoạt sôi nổi mạnh mẽ của cộng đồng này trong những năm qua trái ngược hẳn ở châu Âu. Có lẽ, Tòa Thánh muốn tìm một sự khởi đầu mới nơi những người tín hữu Việt Nam. Trong quá khứ, năm 1925, đức Pio XI, đã gọi Việt Nam là miền truyền giáo gương mẫu, vì đã tiếp nhận xây dựng Giáo Hội Công Giáo trên đất nước Việt Nam. Ngày nay, đức Phanxicô chủ trương Giáo Hội phải đi đến những vùng biên giới. Giáo Hội Việt Nam phải ra khỏi biên giới của mình để tái truyền giảng Đạo cho những vùng đất cần tái truyền giảng Tin Mừng.
RFI Tiếng Việt xin cảm ơn Linh mục Phạm Hoàng Dũng.
**********
Tham khảo
- Trần Đức Anh, Ngành Ngoại giao Toà Thánh, https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2023-05/ngoai-giao-toa-thanh.html
- Nguyễn Thái Hợp, Tương quan giữa Giáo Hội và Nhà Nước tại Việt Nam, website giaophandalat.com
- Những bước tiến trong quan hệ Viêt Nam–Vatican, website cgvdt.vn
- Ngô Quốc Đông, Hồ Chí Minh và vấn đề Công Giáo, in Nghiên Cứu Tôn Giáo, số 5&6 (162), 2017, pp. 96-129.
- Sandro Magister, La diplomazia vaticana ha un rivale in casa, che ha il papa dalla sua parte, in magister.blogautore.espresso.repubblica.it
[1] Robert Besser, Bejing News.net, 30 Jul 2023, 17:12 GMT+10, https://www.beijingnews.net/news/273915314/vatican-to-send-first-representative-to-vietnam-since-1975
RFI